Biến đổi khí hậu: Nguy cơ phát thải tăng mạnh do giao thông hàng không phục hồi hậu đại dịch COVID-19
21/03/2023 18:43 (GMT+7)
Biến đổi khí hậu: Nguy cơ phát thải tăng mạnh do giao thông hàng không phục hồi hậu đại dịch COVID-19
Hà Nội (TTXVN 21/3)--
Xu hướng gia tăng giao thông hàng không sẽ dẫn đến việc tăng các yêu cầu liên quan đến phát thải toàn cầu đối với một số hãng hàng không vào năm 2024. Đây là cảnh báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) trong bối cảnh ngày càng có nhiều tranh luận về hiệu quả của cách tiếp cận này.
Chương trình bù đắp và giảm phát thải carbon đối với hàng không quốc tế (CORSIA) của Liên hợp quốc đặt mục tiêu hạn chế lượng phát thải từ các chuyến bay quốc tế ở mức 85% của năm 2019. Giai đoạn đầu của CORSIA dự kiến được triển khai vào năm tới. Với đà phục hồi đi lại như hiện nay, IATA cảnh báo lượng phát thải sẽ vượt ngưỡng này trong năm 2024. Trong giai đoạn đầu, các hãng hàng không có thể mua tín chỉ carbon đề bù đắp cho lượng phát thải vượt ngưỡng.
Mặc dù giai đoạn đầu của CORSIA là tự nguyện, song các hãng hàng không từ các nước tham gia đều cố gắng tuân thủ mục tiêu. CORSIA sẽ trở thành quy định bắt buộc vào năm 2027. Theo CORSIA, các hãng hàng không từ hơn 100 nước tham gia sẽ phải đền bù cho lượng phát thải tăng vượt mức 85% của năm 2019. Tuy nhiên, mức bù đắp này hiện chưa rõ ràng. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết yêu cầu trong giai đoạn đầu của CORSIA sẽ chỉ được tính toán vào năm 2026, dù IATA tuyên bố các hãng hàng không có thể mùa tín chỉ sớm hơn.
Việc chống ô nhiễm trong ngành hàng không đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi ngành này thải ra khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu. Trong bối cảnh các công nghệ như máy bay chạy bằng điện, hoặc bằng hydro vẫn chưa chứng minh được hiệu quả, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) thiếu nguồn cung và chi phí quá lớn, các hãng hàng không đang mua tín chỉ carbon trong các dự án giảm ô nhiễm như trồng cây để bù đắp cho lượng phát thải.
CORSIA do Đại hội đồng Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế của Liên hợp quốc (ICAO) phê chuẩn vào năm 2016. ICAO không thể áp đặt các quy định đối với các chính phủ, song 193 nước thành viên đã hoàn toàn chấp nhận các tiêu chuẩn của tổ chức này. IATA và đa số các hãng hàng không ủng hộ CORSIA.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số công ty hàng không lại phản đối cơ chế trên. Giám đốc điều hành hãng hàng không United Airlines Scott Kirby cho rằng thay vì mùa tín chỉ carbon, ngành hàng không nên tập trung vào SAF, các sáng kiến như máy bay điện, công nghệ thu và lưu trữ carbon. SAF được sản xuất với số lượng nhỏ từ dầu ăn, chất thải động vật với chi phí sản xuất gấp 2-5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống. Việc đẩy nhanh sản xuất SAF đòi hỏi đầu tư quy mô lớn. IATA ước tính hoạt động sản xuất SAF trên thế giới chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu nhiên liệu hàng không trên toàn cầu vào năm 2025. Dù nhiều hãng hàng không muốn giảm bớt yêu cầu đền bù thông qua việc sử dụng SAF, song phần lớn các chính phủ đều chưa có động thái để mở rộng quy mô sản xuất nhiên liệu này. Tính đến tháng 12/2022, tổng lượng SAF được sử dụng chỉ chiếm chưa đầy 0,1% tổng mức nhiên liệu hàng không được dùng./.
Thúc Anh
Lưu ra file