Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 19/10
19/10/2021 08:27 (GMT+7)
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 19/10
Hà Nội (TTXVN 19/10)--
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 19/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 241.838.063 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.913.936 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 218.681.084 người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 325.164 ca mắc mới COVID-19 và 4.677 ca tử vong. Anh có số ca mắc mới cao nhất, với 49.156 ca, trong khi Nga có số ca tử vong cao nhất, với 998 ca. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Anh ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 40.000 ca.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đạt nhiều tiến triển, các nước trên thế giới đang dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, chuyển sang thích ứng an toàn với COVID-19.
Trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Y tế các bang ở Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn thông báo sẽ chấm dứt "tình trạng dịch bệnh phạm vi toàn quốc" (tình trạng khẩn cấp). Theo báo cáo của Bộ Y tế liên bang, với việc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) xếp nguy cơ "vừa phải" đối với những người đã tiêm chủng và căn cứ tỷ lệ tiêm chủng hiện tại, Đức có thể chấm dứt tình trạng dịch bệnh với những quy định đặc biệt trên phạm vi toàn quốc vào ngày 25/11 tới. Đức đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 28/3/2020 và kéo dài liên tục gần 19 tháng qua. Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Quốc hội liên bang đã gia hạn tình trạng này thêm 3 tháng. Quy định sẽ tự động hết hiệu lực nếu chính phủ không kiến nghị quốc hội tiếp tục gia hạn. Song song với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nêu trên, Bộ Y tế liên bang cũng khuyến cáo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản, như duy trì quy định AHA+L (viết tắt của: giữ khoảng cách, vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và thông gió) và quy tắc 3G (đã tiêm, đã khỏi bệnh, đã xét nghiệm với kết quả âm tính) để vào một số địa điểm, sự kiện nhất định.
Theo Bộ Y tế liên bang Đức, cơ sở để cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp dịch bệnh trước hết xuất phát từ tỷ lệ tiêm chủng khá cao ở nước này. Số liệu của RKI cho biết đến nay đã có gần 54,7 triệu người Đức được tiêm đầy đủ, chiếm 65,8% dân số.
Nhằm mở rộng quyền tự do đi lại cho những người đã tiêm những loại vaccine không được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn, Italy đang tìm kiếm sự công nhận đối ứng đối với các loại vaccine phòng COVID-19 của Nga và Trung Quốc. Hiện tại, những người đã tiêm vaccine Sputnik V của Nga hoặc vaccine của Trung Quốc không được nhận thẻ xanh COVID-19 tại Italy, điều này gây khó khăn cho những người nước ngoài làm việc tại nước này, nhất là sau khi thẻ xanh, chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng trở thành điều kiện bắt buộc để họ được đến nơi làm việc từ ngày 15/10. Đại diện của các cơ quan y tế Italy đã nhiều lần hứa sẽ giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, Ủy ban về các sản phẩm thuốc dùng cho người (CHMP) thuộc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt thêm 2 cơ sở mới sản xuất vaccine ngừa COVID-19 có tên Comirnaty do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Ngoài ra, cơ quan này cũng phê duyệt công thức mới cho loại vaccine trên.
Trong thông báo, CHMP cho biết các địa điểm sản xuất mới trên gồm một cơ sở ở Monza của Italy do hãng dược phẩm Patheon Italia S.p.A. vận hành và một ở Anagni (cũng ở Italy) do hãng dược Catalent Anagni S.R.L vận hành. Cả 2 cơ sở này sẽ sản xuất vaccine thành phẩm, dự kiến sẽ cung cấp thêm 85 triệu liều vaccine cho các nước EU trong năm nay. Quyết định trên không cần được Ủy ban châu Âu phê chuẩn và các cơ sở này có thể ngay lập tức đi vào hoạt động.
Ngoài ra, CHMP thông báo đã phê duyệt công thức mới tiện dụng hơn cho vaccine Comirnaty. Công thức này không cần pha loãng trước khi sử dụng, sẽ được đóng gói trong hộp 10 lọ vaccine (tương đương 60 liều) và có thể được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C trong tối đa 10 tuần. Công thức cô đặc đang được sử dụng hiện tại yêu cầu pha loãng trước khi tiêm, được đóng gói trong hộp 195 lọ (tương đương 1.170 liều) và có thể được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C trong tối đa một tháng. Những điểm khác biệt này sẽ giúp cải thiện công tác bảo quản, vận chuyển và logistic để đảm bảo việc phân phối và tiêm vaccine. Công thức mới sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn, bắt đầu từ đầu năm 2022.
Trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, Ecuador đã chính thức bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo giới chức y tế sở tại, nhóm trẻ em 5 tuổi sẽ được tiêm vaccine của Pfizer với điều kiện đã hoàn tất phác đồ vaccine đối với các căn bệnh khác. Trong khi đó, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi sẽ được tiêm vaccine của Sinovac (Trung Quốc) với thời gian giữa hai mũi tiêm là 28 ngày./.
Ngọc Hà
Lưu ra file