
Bản quyền Thông Tấn Xã Việt Nam
Số 05 Lý Thường Kiệt - Hà Nội - Việt Nam
12/10/2021 08:00 (GMT+7)
Ngày Doanh
nhân Việt Nam (13/10): Đoàn
kết, chia sẻ, thích ứng để cùng vượt qua đại dịch COVID-19
Tầng lớp doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một lực
lượng quan trọng, là động lực của nền kinh tế. Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.
* Động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia
Ngay sau ngày đất nước giành độc lập, ngày 13/10/1945, khi nghe
tin các công thương gia nhóm họp, thành lập Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập
Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư
chưa đầy 200 chữ của Bác đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta
xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Bác chỉ rõ:
“Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn
toàn độc lập của nước nhà thì giới công-thương phải hoạt động để xây dựng nền
kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận
tâm giúp giới Công-thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà
bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự
kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng những khẳng định của Bác về vai
trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước và lời kêu gọi
doanh nghiệp, doanh nhân mau mau đem vốn vào làm những công cuộc ích nước, lợi
dân… vẫn còn nguyên giá trị.
Trong suốt mấy chục năm qua, nhất là trong hơn 3 thập kỷ từ khi tiến
hành đổi mới, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích
phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, sau
10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng
và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, nhận thức của toàn xã hội đối với
đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Đảng,
Nhà nước ta xác định đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng;
là lực lượng chủ lực, động lực quan trọng góp phần phát triển
kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, thu
ngân sách Nhà nước.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật
để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, tạo
điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân
hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cộng đồng
doanh nghiệp phát triển. Theo đó, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh
của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện rõ rệt.
Qua đó, tầng lớp doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển, trở
thành một lực lượng quan trọng, là động lực của công cuộc đổi mới. Đặc biệt, trong
10 năm qua, doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh cả về số lượng, tăng về quy
mô, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng được yêu cầu của người
tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín, một số sản phẩm có
thương hiệu mang tầm quốc tế, nhiều doanh nhân lọt vào top xếp hạng tỷ phú của
thế giới.
Khu vực doanh nghiệp với nhiều loại hình khác nhau đang đóng góp
hơn 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, tạo ra hàng chục triệu việc làm
và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, đóng góp to
lớn vào quá trình CNH, HĐH đất nước, xóa đói, giảm nghèo,
bảo đảm an sinh xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam
tham gia vào những "sân chơi" lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và
tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt
Nam-EU (EVFTA)... vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng rõ nét, thể hiện
khát vọng vươn lên, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
* Nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho cộng đồng
doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống
kê, trong 9 tháng năm 2021, đã có hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường,
tăng hơn 24% so với năm 2020; 94% doanh nghiệp trên cả nước đang lâm vào tình
trạng khó khăn.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam (VCCI) cho biết, cuộc chiến chống COVID-19 đang làm nhiều doanh nghiệp kiệt
sức; nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ. Ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi
COVID-19 phổ biến tình trạng doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền; tương
lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã...
Trước tình hình đó, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch và triển khai hoạt động với phương châm như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Lợi ích thì chúng ta phải hài hòa, rủi ro thì chúng ta chia sẻ. Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong năm 2020, đã thực hiện gia hạn thời gian
nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất
với tổng giá trị khoảng 129.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, các cơ quan chức năng
tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng như miễn, giảm
các khoản thuế, phí và lệ phí với số tiền ước tính khoảng 118.000 tỷ đồng. Vừa
qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ
người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp... Đặc biệt, Chính phủ và một số bộ, ngành đã
có những buổi làm việc với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo
điều diện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Chia sẻ với thực trạng của các doanh
nghiệp, chiều 7/10/2021, trong buổi làm việc và gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp,
doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương
Đình Huệ ghi nhận sức chống chịu kiên cường không chỉ của các doanh nghiệp, mà
kể cả không ít hộ kinh doanh đã và đang gồng mình, căng sức để duy trì hoạt động;
thậm chí phải chấp nhận hy sinh, mất mát và thiệt hại to lớn trước những tác động
khốc liệt mà dịch bệnh gây ra. Chủ tịch Quốc
hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với truyền thống đoàn kết và tinh thần vượt khó,
kiên cường của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta tin sẽ vượt qua những
khó khăn để tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong
thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những khó khăn như vậy, các
doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng cần rà soát lại năng lực quản trị, tăng
cường sức mạnh và khắc phục điểm yếu, nâng cao sức chống chịu hơn nữa để đứng vững
và phát triển.
Trước đó, sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ
trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải
pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Thủ tướng nhấn mạnh, với phương châm doanh nghiệp, doanh nhân vừa
là trung tâm, vừa là chủ thể nên Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa
để chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp hơn, để doanh nghiệp đến với chính quyền
nhanh hơn. Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác công-tư để các doanh nghiệp, doanh nhân
nghiên cứu tham gia sâu hơn, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược,
năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực y tế... trên tinh thần những gì người dân
làm được, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, thì người dân, doanh nghiệp thực
hiện, Nhà nước chỉ làm những gì cần kiểm soát về mặt an ninh, quốc phòng và các
cân đối lớn, vĩ mô...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết
Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần
"3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không,
không nói khó, không nói có mà không làm"; "5 thật" là
"nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được
thụ hưởng thành quả thật". Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa
phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp
với tình hình cụ thể.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng kêu gọi sự chung tay, đoàn kết, thống
nhất, chia sẻ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân để cùng nhau vượt qua khó
khăn, như lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã cố gắng
càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết
tâm cao hơn nữa” để phòng, chống dịch hiệu quả và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Ở
chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung
tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người
dân, cộng đồng trong cuộc chiến với COVID-19 bằng nhiều hình thức; đồng thời thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với
tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào
phát triển kinh tế-xã hội.
Các
doanh nghiệp đã nhanh chóng
chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất
kinh doanh, như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch
vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như
thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra... ./.
Minh Duyên (tổng hợp)